Nhiều bằng cấp, thiếu thực chất

Nhiều bằng cấp, thiếu thực chất

97,5% số học sinh cả nước đậu tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi năm nay đã được công bố. Thực ra, kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn cũng như giới không chuyên môn. Bởi vì, năm nào cũng như vậy, đã thi là phải đậu gần như tuyệt đối.

Với thành tích này, ngành giáo dục đào tạo xứng đáng được tôn vinh, nhiều địa phương được ghi danh là cái nôi đào tạo tốt, nhiều trường học được công nhận thành tích dạy hay, dạy giỏi. Việt Nam xứng danh đứng vào hàng các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

 

Về lý thuyết là vậy, còn thực tiễn lại cho ra một kết quả khác. Đầu tư nhiều thời gian, công sức, chi phí cho một cuộc thi mà kết quả gần như đã biết trước. Kết quả đó sẽ cho ra lò một thế hệ tú tài, nhưng với bằng cấp này, thời nay được xem như xóa mù chữ.

 

Chất lượng của bằng tốt nghiệp THPT sẽ được bộc lộ ở cuộc sát hạch tiếp theo, đó là kỳ thi đại học, cao đẳng. Hằng năm, điểm thi thấp dần, nhưng “lọt sàng xuống nia”, nhiều học sinh điểm thi rất thấp cũng vào được đại học. Các trường vét học sinh để có “khách hàng” và sau đó là một thế hệ cử nhân ra đời. Chất lượng của “sản phẩm” đào tạo này quá phức tạp, có loại bị thị trường chê không sử dụng, có loại phải tái đào tạo mới tạm sử dụng được.

 

Rất nhiều cử nhân cầm tấm bằng trong tay nhưng thất nghiệp, một phần vì xã hội thiếu việc làm, một phần vì bản thân không biết làm gì, cho nên xin đi làm công nhân cho nó chắc. Báo Lao Động đã từng có loạt bài phản ánh về thực trạng cử nhân làm công nhân, xót xa lắm, nhưng đó là một bức tranh giáo dục không thể tô màu khác.

 

Có lẽ quá lạm phát bằng tú tài, rồi bằng cử nhân nên để cạnh tranh việc làm, nhiều người vươn tới bằng thạc sĩ. Các loại hình đào tạo thạc sĩ ra đời, thị trường kinh doanh thạc sĩ sôi động, bằng cấp phát ra ào ào. Vì “chợ thạc sĩ” quá bát nháo nên từng có vụ Thanh tra Chính phủ kiến nghị không công nhận 2.000 bằng thạc sĩ, cử nhân ở Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Công bằng mà nói, trong hơn 100.000 thạc sĩ của cả nước, không phải thạc sĩ nào cũng chất lượng kém, nhưng có quá nhiều tấm bằng chỉ có giá trị trang trí cho thói hư danh hay thoả mãn yêu cầu thăng tiến chốn quan trường.

 

Việt Nam bây giờ ra ngõ gặp tiến sĩ. Với đội ngũ 24.300 tiến sĩ, Việt Nam có số lượng “ông nghè” cao nhất ASEAN. Nhưng thống kê công trình nghiên cứu, phát minh khoa học thì quá thấp. Phó Giáo sư – tiến sĩ Phạm Bích San – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - đưa ra một so sánh rất đau đầu rằng, Việt Nam có số lượng giáo sư-tiến sĩ nhất khu vực, nhưng tổng số bài báo công bố quốc tế trong một năm chỉ bằng một trường đại học ở Thái Lan.

 

Bằng cấp quá nhiều nhưng thiếu thực chất, đó là chân dung của nền giáo dục Việt Nam.

Tin nóng 

Khai giảng năm học 2020-2021

Ngày 05/9/2020 Trường PTDT BT THCS Đạp Thanh long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021

Công trình nước sạch phục vụ học sinh

Công trình nước sạch phục vụ học sinh bán trú

Trường THCS Đạp Thanh, 11 năm hình thành và phát triển

Giá trị của trường THCS Đạp Thanh được xây dựng trên cơ sở của kỉ cương, của sự quan tâm, tình thương, trách nhiệm, lòng nhiệt tình và chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, của cả tư duy giáo dục luôn đổi mới. Chúng tôi tự hào về những gì đã đạt được, về con đường mà chúng tôi đang thực hiện.

Tin nhanh 
Mới nhất 
Thống kê truy cập 
Thời tiết