Hùng biện về chính quyền điện tử 

HÙNG BIỆN VỀ CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ

“Sự hài lòng của người dân là thước đo cải cách hành chính”

Hà Thu: Kính thưa các vị đại biểu, thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến! Như chúng ta đã biết, nền hành chính nước ta những năm trước đây vẫn mang nặng tính quan liêu, bảo thủ , rườm rà gây phiền hà cho người dân đồng thời làm cản trở sự phát triển của đất nước. Trong xu thế hội nhập thì việc cải cách hành chính là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Chính vì lẽ đó, trung tâm hành chính công và chính quyền điện tử ra đời, đây có thể coi là một bước ngoặt trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính của đất nước. Vậy thế nào Chính quyền điện tử? Chúng ta có thể hiểu Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính quyền, phục vụ người dân tốt hơn.

Vũ: Trên thế giới, Chính quyền điện tử được khởi đầu với quá trình cải cách hành chính được diễn ra vào những năm 70 của thế kỷ trước các nước phát triển. Từ năm 1995 đến năm 2000 chính quyền điện tử đã được các nước tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, cho đến nay chính quyền điện tử vẫn tiếp tục được các nước thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng hơn, các nước đã coi phát triển chính quyền điện tử là bắt buộc.

Còn ở Việt Nam, thật vinh dự khi tỉnh Quảng Ninh của chúng ta được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm mô hình trung tâm hành chính đầu tiên trên cả nước. Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo và sự đầu tư phù hợp, tỉnh ta luôn là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về mức độ ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, đặt nền tảng vững chắc để xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh hiện đại, làm cơ sở để xây dựng một nền hành chính công tiên tiến, hiện đại, minh bạch phục vụ nhân dân tốt hơn.

San: Đúng rồi, ngoài ra chính quyền điện tử có rất nhiều mối quan hệ đấy các bạn ạ, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là MQH giữa dịch vụ của Chính phủ với người dân. MQH này bao gồm việc phổ biến thông tin và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, bên cạnh đó người dân thực hiện các dịch vụ cho các cơ quan chính quyền. Các thông tin của chính quyền phổ biến đến người dân bao gồm: thông tin về qui định, về chính sách, luật pháp, … giúp cho người dân hiểu biết tốt hơn về cơ quan nhà nước, cũng như trợ giúp họ thực hiện tốt các dịch vụ hành chính. Còn các dịch vụ mà chính quyền thường cung cấp cho người dân là: Làm giấy khai sinh/khai tử/hôn nhân, làm mới hoặc gia hạn các loại giấy phép (lái xe, đăng ký quyền sở hữu nhà ở, …), cũng như các dịch vụ trợ giúp người dân trong giáo dục, bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh, thư viện, …Không chỉ có vậy, người dân cũng sẽ thực hiện cung cấp dịch vụ cho các cơ quan chính quyền như : Khai thuế thu nhập, nộp tiền phạt, thay đổi nơi ở, … Tiến tới người dân tham gia vào các công việc của các cơ quan chính quyền như: xây dựng chính sách, ra các quyết định, bầu cử trực tuyến, …

        Hà Thu: Vậy Chính quyền điện tử có ý ngĩa như thế nào đối với người dân? Theo tớ hiểu người dân được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn qua trực tuyến. Cụ thể người dân ngày càng ít phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền. Nhờ các công cụ của CNTT và truyền thông, cơ quan nhà nước nhanh chóng tiếp thu được ý kiến của người dân và giúp người dân tham gia dễ dàng hơn trong quá trình ra quyết định của mình.

        Ngoài ra, Chính quyền điện tử còn hướng đến cung cấp dịch vụ cho người dân ở mọi lúc (24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, tất cả 365 ngày trong năm), ở mọi nơi qua nhiều phương tiện như máy tính, điện thoại,… đồng thời người dân vẫn có thể sử dụng các cách thức truyền thống như gặp trực tiếp, qua điện thoại, …  Nói theo cách khác, chính quyền điện tử là sự đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng hiệu quả của quá trình phê duyệt.

        Vũ: Hà Thu nói đúng rồi đấy nhưng theo tớ còn một ý nghĩa rất quan trọng nữa của Chính quyền điện tử đó là: người dân được cung cấp thông tin một cách kịp thời, được tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động của chính quyền một cách thuận tiện hơn. Ngoài ra, người dân sẽ thấy được các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm rõ hơn, các hoạt động của chính quyền được người dân giám sát kịp thời, đặc biệt là nhân dân có lòng tin hơn vào cơ quan nhà nước. Với rất nhiều những ý nghĩa quan trọng như vậy của Chính quyền điện tử, theo tớ nghĩ rằng, là học sinh chúng ta cần phải tuyên truyền rộng rãi cho gia đình và hàng xóm cùng biết các bạn nhé.

        San: Ừ, đúng rồi đấy! Tóm lại, nói một cách ngắn gọn thì Chính quyền điện tử không chỉ là việc ứng dụng CNTT mà quan trọng hơn là phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt phải chú trọng tới lợi ích của công dân. Do vậy, mục đích cuối cùng và cũng là mục đích quan trọng nhất của Chính quyền điện tử là: “Sự hài lòng của người dân là thước đo cải cách hành chính” => Slogan

                                                                  Map: Hòa Trần

Bộ câu hỏi các đội thi 

Câu 1: Thế nào là chính quyền điện tử?

A. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

B. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của người dân và doanh nghiệp nhằm tăng cường công khai, minh bạch thông tin cho các cơ quan nhà nước.

Đáp án: A

Câu 2: Chính quyền điện tử có những lợi ích gì?

A. Làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền.

B. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Người dân và doanh nghiệp ngày càng ít phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền.

C. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ. Nhờ các công cụ của công nghệ thông tin và truyền thông, cơ quan chính quyền nhanh chóng tiếp nhận được ý kiến của người dân và giúp người dân tham gia dễ dàng hơn trong quá trình ra quyết định của chính quyền.

D. Cả 3 lợi ích trên.

Đáp án: D

Câu 3: Thế nào là trung tâm hành chính công?

A. Trung tâm hành chính công là nơi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

B. Trung tâm hành chính công là nơi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

C. Trung tâm hành chính công là nơi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đáp án: C

Câu 4: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có bao nhiêu trung tâm hành chính công?

A. 10 trung tâm.

B. 12 trung tâm.

C. 14 trung tâm.

D. 15 trung tâm.

Đáp án: D. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và 14 Trung tâm hành chính công huyện, thị xã, thành phố.

Câu 5: Quy trình tiếp nhận, xử lý và tra cứu hồ sơ tại Trung tâm hành chính công huyện Ba Chẽ và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả gồm bao nhiêu bước?

A. 3 bước.

B. 4 bước.

C. 5 bước.

D. 6 bước.

Đáp án: D. Quy trình tiếp nhận, xử lý và tra cứu hồ sơ tại Trung tâm hành chính công huyện Ba Chẽ và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả gồm 6 bước:

Bước 1: Người dân/doanh nghiệp đến làm việc tại trung tâm hành chính công đến bàn hướng dẫn để được hướng dẫn các bước cần thực hiện.

Bước 2: Đến Kiosk lấy số thứ tự để lấy số sau đó ra khu vực chờ, đợi đến số thứ tự của mình.

Bước 3: Khi đến số thứ tự được thông báo trên loa, người dân/ doanh nghiệp đến bàn làm việc theo hướng dẫn để nộp/nhận hồ sơ.

Bước 4: Sau khi cán bộ kiểm tra hồ sơ, việc tiếp nhận hồ sơ có 02 trường hợp sau:

+ Trường hợp 1: Hồ sơ không hợp lệ " Cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân/doanh nghiệp để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ.

+ Trường hợp 2: Hồ sơ hợp lệ " Tiếp nhận xử lý theo quy định. Người dân/ doanh nghiệp sẽ được nhận một phiếu biên nhận trong đó có đầy đủ thông tin và thời gian hẹn trả kết quả. Người dân/ doanh nghiệp có thể sử dụng phiếu này để tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ của mình tại Cổng công dân dichvucong.quangninh.gov.vn

Bước 5: Giải quyết hồ sơ.

Bước 6: Nhận kết quả giải quyết.

Câu 6. Thế nào là dịch vụ công trực tuyến?

A. dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của các tổ chức, cá nhân được cung cấp cho cơ quan nhà nước trên môi trường mạng Internet.

B. dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng Internet.

C. dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tại các cơ quan nhà nước.

Đáp án: B

Câu 7: Dịch vụ công trực tuyến gồm có mấy mức độ?

A. 2 mức độ.

B. 3 mức độ.

C. 4 mức độ.

D. 5 mức độ.

Đáp án: C.

Dịch vụ công trực tuyến có các mức độ sau:

+ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.

+ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

+ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

+ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Câu 8: Cần mấy bước để đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến?

A. 2 bước.

B. 3 bước.

C. 4 bước.

D. 5 bước.

Đáp án: D. Cần 5 bước để đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến

- Bước 1: Truy cập địa chỉ cổng thông tin điện tử trên mạng Internet (http://dichvucong.quangninh.gov.vn).

- Bước 2: Nhấn chọn “Đăng ký” để đăng ký tài khoản.

- Bước 3: Nhập thông tin đăng ký tài khoản.

- Bước 4: Sau khi nhập các thông tin đăng ký tài khoản.

+ Nhấn chọn vào ô: Tôi đồng ý với các điều khoản đăng ký dịch vụ công.

+ Nhấn chọn “Đăng ký”.

- Bước 5: Kiểm tra thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại để nhận mã xá nhận. Nhập mã xác nhận để hoàn tất việc đăng ký tài khoản.

Câu 9: Cần bao nhiêu bước để dăng nhập tài khoản dịch vụ công trực tuyến?

A. 2 bước.

B. 3 bước.

C. 4 bước.

Đáp án: B. Cần 3 bước để dăng nhập tài khoản dịch vụ công trực tuyến.

Câu 10: Cách thức tra cứu, sử dụng dịch vụ công mức 1, 2 gồm mấy bước?

A. 2 bước.

B. 3 bước.

C. 4 bước.

D. 5 bước.

Đáp án: B. Cần 3 bước để tra cứu, sử dụng dịch vụ công mức 1, 2

- Bước 1: Truy cập địa chỉ cổng thông tin điện tử Tỉnh trên mạng Internet (quangninh.gov.vn hoặc halong.gov.vn)

- Bước 2: Chọn mục “Thủ tục hành chính công”

- Bước 3: Căn cứ theo nhu cầu người dân/doanh nghiệp có thể tìm kiếm, tra cứu các thủ tục cần thiêt. Hiện tại, các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử tỉnh được phân làm 3 bộ: Bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, bộ thủ tục hành chính cấp huyện, bộ thủ tục hành chính cấp xã

VD: Người dân cần tìm hướng dẫn các thủ tục đăng ký kết hôn thuộc bộ thủ tục hành chính cấp xã, thực hiện như sau:

+ Tại mục “BỘ TTHC CẤP XÔ (1) chọn mục “Tư pháp” (2) sau đó chọn mục “Thủ tục đăng ký kết hôn” (3).

(1)

 

(2)

 

+ Tại mục “THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN” nhấn chọn “dang ky ket hon.doc” để tải tài liệu hướng dẫn về.

+ Sau khi tải tài liệu về, người dân làm theo các bước hướng dẫn và mẫu hướng dẫn trong file hướng dẫn tải về.

Tiểu phẩm tuyên truyền 

TIỂU PHẨM TUYÊN TRUYỀN TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH CÔNG

Cảnh 1: Tại nhà ông Đức

Đức: Bà nó xong chưa. Chuẩn bị nhanh còn đi xuống huyện. Cứ lề mề thế này cả ngày cũng không làm được sổ đỏ đâu.

Ngọc: Chờ tôi một tí, xong ngay đây.

Đức: Bà mang cái túi gì mà to thế kia?

Ngọc (mang một túi to các loại giấy tờ): Tôi mang tất tần tật đi, họ hỏi cái gì mình lấy ra cái đó cho chắc ăn. Nào là

  Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất này

- Bản sao các giấy tờ liên quan này

- CMND, sổ hộ khẩu này.

Lại còn cả giấy đăng kí kết hôn nữa chứ.

 

Đức: Bà bị làm sao không đấy, đi xin cấp sổ đỏ mang giấy chứng nhận kết hôn đi làm gì?

 

Ngọc: Thì cứ mang đi, mang nhầm hơn bỏ sót.

Ngân cầm điện thoại đi ra, nghe nhạc bằng tai nghe, nhảy nhót và lẩm bẩm hát theo.

Ngọc: Ngân, ở nhà trông nhà để bố mẹ xuống huyện nhớ chưa?

Con gái không nghe tiếng

Ngọc: Ngân, ở nhà trông nhà nhớ chưa?

Đức: Đứa này hôm nay nó làm sao ấy nhỉ?

Đức (hét to): Ngân!

Ngân: giật mình, bỏ tai nghe ra. Dạ, bố gọi gì con ạ?

Đức: mày làm cái gì mà bố mẹ gọi mãi không thưa vậy hả?

Ngân: À, con đang nghe nhạc bằng tai nghe trên điện thoại smart phone bố mẹ mới mua cho con đấy. Điện thoại này hay lắm bố mẹ ạ. Chụp ảnh, quay phim, nghe nhạc cực nét, lại còn tuy cập được mạng internet, chơi điện tử thì khỏi chê luôn.

Đức: Mày cứ chơi điện tử nhiều là bố thu máy đấy. Mua điện thoại xin cho mày là để tiện liên lạc và phục vụ học tập chứ không phải chỉ để chơi điện tử đâu nhớ chưa?

Ngân: Con nhớ rồi ạ.

Ngọc: Thôi muộn rồi, con ở nhà trông nhà để bố mẹ xuống huyện, đi lên cái phòng tài nguyên môi trường làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhé.

Đức: Mấy cái thủ tục này mất thời gian phức tạp lắm. Đi lại nhiều lần chưa chắc đã xong

Ngọc: Thật vậy hả ông?

Đức: Thật chứ sao không. Lên cái phòng Tài nguyên môi trường ấy, lúc thì cán bộ không có mặt ở cơ quan lại phải quay về, hồ sơ thiếu cũng lại phải quay về, có khi hồ sơ đủ nhưng cũng không thấy cán bộ hẹn bao giờ đến lấy kết quả, đi đi lại lại bao nhiêu lần, phức tạp lắm.

Ngân: Bố mẹ ơi, như vậy là bố mẹ chưa biết rồi.

Ngọc: Biết cái gì?

Ngân: Bố mẹ đã nghe đến trung tâm hành chính công chưa?

Đức: Trung tâm hành chính công là cái gì? Bà có biết không?

Ngọc: Tôi cũng chưa nghe bao giờ?

Ngân: Bố ơi! Trung tâm hành chính công là nơi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp đấy bố ạ.

Đức: Nơi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính à? Một cái trung tâm làm sao tiếp nhận và xử lý được tất cả các thủ tục hành chính? Bố đi xin cấp sổ đỏ lên tận phòng Tài nguyên môi trường, có đầy đủ cán bộ chuyên môn mà thủ tục còn rắc rối, phức tạp, đi đi lại lại bao nhiêu lần còn chưa xong nữa là một cái trung tâm.

Ngọc: Con còn nhỏ chưa hiểu hết về các thủ tục hành chính đâu.

Ngân: Mẹ ơi, thủ tục hành chính bây giờ nhanh gọn lắm, không phức tạp như trước đâu mẹ ạ. Nhà nước đang thực hiện xây dựng chính quyền điện tử đấy mẹ ạ.

Đức: Cứ mở mồm ra là điện tử, cứ điện tử nhiều là tao thu lại máy không cho dùng nữa bây giờ.

Ngân: Bố ơi, không phải là chơi điện tử mà là thực hiện “Chính quyền điện tử” bố ạ. Con và các bạn ở trường đã được các thầy cô dạy và tuyên truyền nhiều về vấn đề này. Chúng con đang tập luyện để làm chương trình ngoại khóa  tuyên truyền về “Chính quyền điện tử” nữa đấy bố ạ.

Đức: Trẻ con thì biết cái gì? Chính quyền nhà nước như vậy mà biến thành điện tử có mà loạn hết à?

(Cô giáo đi vào)

Cô giáo (gọi từ ngoài): Có ai ở nhà không?

Ngân: Em chào cô ạ.

Đạt: Chào cô giáo, mời cô giáo ngồi.

Ngọc: Mời cô giáo uống nước. Hôm nay có việc gì mà cô giáo lại qua thăm nhà chúng tôi vậy?

Cô giáo: Dạ, em qua đây để đón cháu Ngân đến trường tập luyện cho chương trình ngoại khóa tuyên truyền về “Chính quyền điện tử” và trung tâm hành chính công anh chị ạ.

Đức (quay sang nói với vợ): “Chính quyền điện tử” và trung tâm hành chính công á? Cái mà  con gái mình nó vừa nói hả bà?

Ngọc: Chẳng lẽ là thật à?

Đức: Cô giáo này, cái Trung tâm hành chính công và cái chính quyền điện tử vợ chồng tôi cũng ừa nghe con cái nói láng máng. Nhưng chưa hiểu lắm cô giáo ạ.

Ngọc: Chả là: Vợ chồng tôi đang chuẩn bị xuống huyện, đi lên Phòng Tài nguyên môi trường làm cái sổ đỏ, con gái tôi nó bảo trung tâm hành chính công với cái điện tử gì đó, nó là thế nào vậy cô giáo?

Cô giáo: Con gái anh chị nói đúng đấy. Trung tâm hành chính công là nơi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. ở đây có đầy đủ cán bộ chuyên môn của 12 phòng ban chuyên môn, tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính ở tất cả mọi lĩnh vực.

Đức: Thế có nghĩa là bây giờ đi làm sổ đỏ tôi chỉ việc lên trung tâm hành chính công  à? Liệu thủ tục có nhanh gọn không?

Cô giáo: Đúng vậy anh ạ. Bây giờ không chỉ làm sổ đỏ, mà cần giải quyết bất kì thủ tục hành chính nào anh cũng có thể đến trung tâm hành chính công, mọi thủ tục được thực hiện rất nhanh gọn, thuận tiện, đội ngũ cấn bộ có chuyên môn nghiệp vụ tốt, đặc biệt là rất công khai và minh bạch anh ạ.

Ngọc: Như thế thì tốt quá ông nhỉ?

Ngân: Mà bố mẹ này! Ngoài chức năng tiếp nhận, thẩm định và giải quyết hồ sơ, trung tâm hành chính công còn có chức năng hướng dẫn nữa.

Đức: Chức năng hướng dẫn là như thế nào?

Ngân: Nghĩa là nếu hồ sơ công dân hoặc doanh nghiệp mang đến nộp không đúng thẩm quyền giải quyết của trung tâm thì trung tâm sẽ hướng dẫn người dân hoặc doanh nghiệp đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết bố mẹ ạ.

Ngọc: Nghĩa là mình sẽ không phải chạy đôn chạy đáo tìm ông này, ông kia, đi phòng nọ phòng kia mất thời gian như ngày xưa ông nhỉ?

Đức: Nghe nói thì hay vậy thôi, nhưng tôi chưa tin lắm. Vì cả cái làng này có thấy ai nói gì đâu. Phải đi mới biết được.

Cô giáo: Bây giờ cũng không còn sớm nữa, anh chị tranh thủ xuống trung tâm hành chính công huyện Ba Chẽ để giải quyết công việc kẻo muộn.

Ngọc: Mà cái trung tâm hành chính công ấy nó ở chỗ nào cô giáo nhỉ?

Cô giáo: Trụ sở trung tâm ở Khu 1 Thị Trấn Ba Chẽ, đối diện UBND huyện, rất dễ tìm chị ạ.

Ngọc: Cám ơn cô giáo. Vợ chồng tôi đi đây.

Cô giáo: Vâng. Cô trò mình cũng đi thôi.

Ngân: Con chào bố mẹ

Đức: Chào cô giáo nhé.

Cảnh 2

Tại Trung tâm hành chính công huyện Ba Chẽ

Đạo cụ: Cổng Trung tâm hành chính công, bảng niêm  yết công khai, bàn làm việc và biển tên của một số bộ phận của Trung tâm.

Hai vợ chồng đi vào

Ngọc: Trung... tâm... hành... chính ... công.../ Đúng là chỗ này rồi ông ạ.

Đức: Trụ sở khang trang quá, lại dễ tìm nữa. Xem nào: Phòng giáo dục, phòng tài chính kế hoạch... À đây rồi. Phòng tài nguyên môi trường.

Dung: Cháu chào cô chú ạ.

Đức: Chào cô.

Dung: Cô chú cần giải quyết thủ tục gì ạ?

Đức: Tôi muốn xin cấp sổ đỏ cô ạ.

Dung: Cháu mời cô chú ngồi ạ. Cô chú lần đầu tiên đến trung tâm hành chính công phải không ạ?

Ngọc: Vâng. Hôm nay tôi mới nghe con gái tôi nói cô ạ.

Dung: Cô chú có mang hồ sơ đến không ạ?

Đức: Có cô ạ. Không biết hồ sơ cần những gì nên vợ chồng tôi cứ mang tất tần tật giấy tờ ở nhà mang đến đây cô ạ.

Dung: Từ nay các bác không cần phải vất vả như vậy nữa đâu ạ. Trung tâm hành chính công huyện Ba Chẽ có bảng niêm yết công khai ở phía ngoài tiền sảnh. Trong bảng niêm yết này có đầy đủ thành phần hồ sơ, thời gian hoàn thành và mức lệ phí nữa cô chú ạ.

Đức: Thế có nghĩa là chúng tôi cứ có đủ những thành phần  hồ sơ và nộp lệ phí như trên bảng niêm yết là xong phải không cô?

Dung: Đúng vậy cô chú ạ. Khi cô chú mang hồ sơ đến, cán bộ trung tâm hành chính công sẽ tiếp nhận, thẩm định và giải quyết tại chỗ với những hồ sơ đạt yêu cầu. Cô chú không phải đến các phòng chuyên môn nữa.

Ngọc: Trên bảng niêm yết ghi thời gian trả kết quả là 4 ngày, nhưng nếu sau 4 ngày chúng tôi đến mà hồ sơ chưa được giải quyết thì sao cô?

Đức: Đúng vây, như ngày xưa tôi đi làm hồ sơ cũng thế, hẹn tới hẹn lui, đi lại vất vả ớ.

Dung: giờ hai bác không cần lo việc đó nữa rồi ạ. Khi hồ sơ của cô chú được tiếp nhận thì cán bộ chuyên môn sẽ viết giấy hẹn cho cô chú. Đến đúng thời gian hẹn, cô chú đến trung tâm nhận kết quả. Trong trường hợp người dân quên không đến lấy kết quả, trung tâm sẽ gọi điện cho người dân nữa cô chú ạ.

Ngọc: à, hóa ra vậy.

Dung: Đặc biệt nếu hồ sơ vì lý do nào đó không trả kết quả đúng hẹn, trung tâm sẽ có văn bản xin lỗi người dân hoặc cơ quan tổ chức và ra hẹn cho lần trả kết quả tiếp theo cô chú ạ.

Đức: Được như thế thì tốt quá cô ạ.

Dung: Các bác đã bao giờ nghe đến “Chính quyền điện tử” chưa ạ?

Ngọc (quay sang nói với chồng): Cái này có phải sáng nay con gái mình nói không nhỉ?

Đức: Hình như đúng rồi đấy. Cô ạ! Sáng nay vợ chồng tôi có nghe con gái nói về cái “Chính quyền điện tử”, tôi cứ tưởng nó nghiện chơi điện tử nên mắng nó một trận. Vậy là có  Chính quyền điện tử thật hả cô?

Dung: Đúng vậy cô chú ạ. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp cô chú ạ

Ngọc: Cô nói cụ thể hơn cho chúng tôi hiểu được không?

Dung: Dạ. Cháu lấy ví dụ thế này cho cô chú dễ hiểu ạ. Nếu bây giờ cô chú phải xuống tận Trung tâm hành chính công để nộp hồ sơ và đến ngày hẹn, cô chú xuống nhận kết quả thì với Chính quyền điện tử, cô chú chỉ cần ngồi ở nhà, dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh có thể tải được đầy đủ hồ sơ về làm và nộp qua mạng, sau đó nhân viên bưu điện sẽ trả sổ đỏ tận nhà cho cô chú đấy ạ.

Đức: Ngồi ở nhà mà cũng có thể làm được sổ đỏ á? Không thể tin được.

Dung: Đúng đấy cô chú ạ. Như vậy mới nâng cao được hiệu lực và thuận tiện tối đa cho người dân.

Ngọc: Ông vừa mua cho con gái cái điện thoại đấy. Tí về mình thực hành luôn xem sao?

Dung: Với điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, cô chú chỉ cần truy cập vào trang “dịch vụ công.gov.quảng ninh”, mọi thông tin đều được đăng tải trên đó.

Đức: Cám ơn cô. Như vậy người dân chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều rồi.

Ngọc: Mà cô giúp chúng tôi xem chúng tôi còn thiếu giấy tờ gì không?

Dung: Hồ sơ của cô chú đã đầy đủ, cháu gửi cô chú giấy hẹn, sau 4 ngày quay lại lấy kết quả ạ.

Ngọc: Cám ơn cô. Vợ chồng tôi về đây.

Dung: Cháu chào cô chú ạ.

Cảnh 3: Tại nhà ông Đức

Đức: Con gái đâu rồi. Bố mẹ về rồi đây.

Ngân: Bố mẹ đã làm xong sổ đỏ chưa?

Ngọc: 4 ngày nữa xuống lấy kết quả là xong rồi.

Ngân: Thế bố mẹ còn bảo là con không hiểu gì về thủ tục hành chính nữa không?

Đức: Con gái bố giỏi thật. Hôm nay đi về bố mẹ mới mở mang được cái đầu. mà bố mua cho mày cái điện thoại thông minh, bố nghe cô cán bộ trung tâm hành chính công bảo chỉ cần dùng điện thoại truy cấp vào cái trang dịch vụ công gì ấy là làm được sổ đỏ đấy.

Ngân: Đúng rồi bố mẹ ạ. Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là bố mẹ có thể giải quyết các thủ tục hành chính mà chỉ cần ngồi ở nhà.

Ngọc: Con gái mẹ giỏi quá. Vậy con phải đi tuyên truyền cho nhiều người biết đến cái trung tâm hành chính công và chính quyền điện tử này nhé. Bản mình chưa ai biết đâu.

Ngân: Vâng. Con đang cùng các bạn tập luyện cho buổi ngoại khóa tuyên truyền vào ngày 24/2 đấy mẹ ạ.

Đức: Phải thế chứ. Bà này, hôm đó vợ chồng mình phải xuống cổ vũ con gái, xem và nghe tuyên truyền để cho nó ngấm vào cái đầu mình nhỉ?

Ngọc: Đúng vậy. Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

 

============ HẾT============